Hủ tiếu là món ăn phổ biến ở các tỉnh miền Nam, rất dễ để tìm thấy xe đẩy hay một quán hủ tiếu trên đường phố. Thật không điêu khi nói người miền Nam có thể ăn hủ tiếu tất cả các bữa trong ngày.
Bạn đang đọc: Cách làm hủ tiếu khô chuẩn vị cực đơn giản
Hủ tiếu ngày nay được chế biến với nhiều loại khác nhau như: hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu sa tế, hủ tiếu Sa Đéc … Tất cả những món hủ tiếu này vô cùng thơm ngon. Nhưng có một món hủ tiếu ăn một lần là nhớ mãi không thôi đó là món hủ tiếu khô.
Đồ ăn kèm hủ tiếu khô cũng rất phong phú, hấp dẫn. Một tô hủ tiếu khô có thể làm bạn no bụng với đầy đủ chất dinh dưỡng rồi. Món hủ tiếu khô có thể làm trong các bữa ăn hàng ngày hoặc cuối tuần tụ tập đều hợp.
Cách làm hủ tiếu khô không quá cầu kỳ như hủ tiếu nước, cũng không quá nhiều dầu mỡ như hủ tiếu xào mà lại rất thanh vị. Nhiều bạn vẫn đắn đo sợ không làm chuẩn vị được như ở ngoài hàng. Nhưng đừng lo, hôm nay Món Ăn Ngon sẽ hướng dẫn bạn nhé!
Nguyên liệu hủ tiếu khô
(cho 4 người)
- 300 g hủ tiếu khô
- 400 g xương ống
- 200 g nạc vai heo
- 200 g tôm tươi
- 100 g gan heo
- 6-8 con tôm khô
- 10 g mực khô
- 1 củ cải trắng
- 1 củ cà rốt
- 200 g rau cải cúc
- 8 quả trứng cút
- 1 muỗng canh tỏi băm
- 100 ml sữa tươi
- 200 g Rau thơm: hành, hẹ, mùi tàu
- Gia vị nêm nếm: dầu ăn, bột nêm, muối, đường, bột ngọt, tiêu,…
Phần nước sốt
- 3 thìa canh xì dầu
- 1 thìa canh dầu hào
- 2 thìa canh đường
- ½ thìa cà phê bột nêm
- 100 ml nước
- 20 g tỏi phi
- 10 g hành phi
Cách làm hủ tiếu khô chi tiết
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Bên cạnh việc lựa chọn các loại topping ăn kèm tươi ngon thì việc lựa hủ tiếu khô cũng quan trọng không kém. Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều loại hủ tiếu nhưng nếu mua không quen có thể bạn sẽ mua phải loại hủ tiếu quá cứng hoặc quá nát khi luộc.
Hủ tiếu khô Sa Đéc của Sa Giang là ngon nhất. Nhà mình thường hay chọn mua loại này. Nếu không tìm thấy thì bạn có thể mua loại khác nhưng lưu ý thời gian luộc cho phù hợp nhé!
Tôm mua về bạn rửa qua. Sau đó dùng một tay giữ chặt đầu tôm, tay còn lại giữ phần thân tôm. Bạn gấp phần đầu với phần thân, tách nhẹ để ép phần bẩn của đầu tôm ra ngoài.
Khi loại bỏ túi phân ở đầu tôm, bạn giữ một phần chỉ đen rồi kéo nhẹ để phần chỉ tôm không bị đứt.
Bạn rửa sạch lại tôm qua nước muối rồi ướp tôm với 1 thìa cà phê bột nêm.
Xương ống mua về bạn dùng muối và chanh rửa sạch. Bạn đun sôi một nồi nước rồi thả xương vào. Khi thấy nước sôi trở lại bạn lấy xương ra, rửa xả nhiều lần với nước để loại bỏ cặn bẩn còn dính trên xương.
Tôm khô bạn chọn mua những con màu cam nhẹ, trông đẹp mắt. Khi bốc một nắm tôm rồi nắm chặt, sau đó mở tay ra nếu tôm vẫn còn hơi dính thì là tôm khô ngon. Bạn rửa sạch tôm để loại bỏ bụi bẩn bám trên tôm rồi ngâm trong bát nước.
Mực khô bạn có thể dùng cồn để nướng. Bạn đổ cồn ra khay, cho mực khô vào khay rồi lật qua lật lại cho cồn bám vào mực. Bạn châm lửa, tiếp tục lật 2 mặt để mực chín đều mà không bị cháy.
Khi thấy mực cong lại và có mùi thơm là được rồi. Bạn dùng chày giã vào thân mực để cho mực được mềm hơn.
Gan heo bạn chọn loại màu tươi và đều màu. Chọn gan heo có màu đỏ hoặc hồng tươi, không nên chọn gan màu sẫm hoặc ngả vàng.
Gan heo bạn rửa qua nước lạnh, sau đó ngâm cùng sữa tươi không đường trong vòng 15 phút. Sữa tươi không đường vừa có tác dụng làm sạch gan heo, vừa giúp khử mùi cho gan hiệu quả.
Thịt nạc heo bạn chọn thịt mới, dẻo. Bạn xay bằng máy xay đa năng hoặc băm nhỏ thịt heo rồi ướp với 1 thìa cà phê muối và 1 thìa cà phê hạt tiêu cho ngấm.
Củ cải và cà rốt bào vỏ, cắt bỏ phần cuống sau đó cắt thành các khoanh tròn.
Rau cải cúc là một loại rau rất hợp với hủ tiếu. Cải cúc thường có nhiều lá hỏng, dập, nên bạn phải nhặt thật sạch và rửa qua nhiều lần với nước.
Các loại rau thơm ăn kèm bạn cũng rửa sạch, cắt nhỏ là được.
Bước 2: Làm các nguyên liệu ăn kèm
Nguyên liệu ăn kèm hủ tiếu khô không nhất thiết phải đúng như trong công thức. Bạn có thể bỏ bớt 1-2 nguyên liệu nếu không chuẩn bị được đầy đủ như gợi ý.
Hoặc tùy theo sở thích từng người trong nhà mà bạn có thể cho thêm lòng heo luộc, thịt luộc hay mực nhúng.
Bạn hãy cứ linh động các nguyên liệu ăn kèm nhé!
Bạn làm nóng chảo với chút dầu ăn rồi cho tỏi băm vào phi thơm. Sau đó bạn cho thịt băm đã ướp vào xào săn trên lửa vừa. Khi thịt đã chín bạn trút thịt ra đĩa.
Gan heo sau khi ngâm với sữa tươi bạn rửa lại nhiều lần cho thật sạch. Đổ nước vào nồi sao cho lượng nước ngập gan. Bạn cho thêm 1 thìa cà phê bột nêm cho gan được đậm đà và luộc với mức lửa vừa trong khoảng 10-15 phút.
Bạn đừng luộc gan quá lâu mà làm gan bị khô, không ngon. Khi gan chín bạn cũng không vớt ra liền mà cứ ngâm ngập trong nước luộc để gan không bị thâm và đỡ khô.
Gan lợn luộc xong thì thái mỏng thành miếng vừa ăn.
Bạn đun một nồi nước sôi rồi cho tôm đã ướp vào luộc chín tới. Khi tôm đã chín bạn vớt ra và bóc sạch vỏ tôm.
Trứng cút nhỏ nên khi luộc bạn để lửa vừa. Vì nếu lửa lớn, nước sôi mạnh trứng sẽ dễ va vào nhau và vỡ. Luộc trứng cút trong 6-8 phút rồi bạn vớt ra, cho vào âu nước lạnh để dễ bóc vỏ một lát sau đó.
Tìm hiểu thêm: Cách làm phở gà trộn thơm ngon chuẩn vị Hà Nội
Chần rau nghe thì rất đơn giản nhưng bạn phải nhanh tay để rau vẫn giữ được màu xanh. Bạn đun thật sôi nồi nước rồi thả cải cúc vào chần trong 2-3 phút. Bạn nhớ đảo để rau được chín đều nhé!
Khi rau đã chín tới, bạn vớt ra và lập tức cho vào âu nước lạnh. Nếu cho vào âu nước lạnh thêm vài viên đá sẽ giúp rau giòn ngon và có màu xanh đẹp mắt.
Trụng hủ tiếu bạn cũng phải khéo léo một chút để hủ tiếu không bị nát và dính vào nhau. Bạn đun một nồi nước thật sôi cùng với 1 thìa dầu ăn rồi thả hủ tiếu khô vào.
Đối với từng loại hủ tiếu mà thời gian luộc khác nhau nên bạn nhớ canh thời gian phù hợp nhé! Loại hủ tiếu mình dùng thì luộc trong vòng 3-5 phút là đạt.
Sau khi vớt hủ tiếu ra bạn xả nhanh dưới vòi nước lạnh. Nếu có dầu tỏi bạn có thể cho thêm 1 thìa canh vào và xóc đều lên.
Bước 3: Làm nước sốt
Nước sốt rất quan trọng bởi nó quyết định tới hương vị của hủ tiếu khô. Nếu làm được nước sốt ngon là bạn đã thành công rồi.
Các nguyên liệu làm nước sốt bạn đong cho chuẩn định lượng. Sau đó cho vào nồi, bật lửa lớn và đun cho đường tan hết.
Bạn hạ lửa nhỏ để phần sốt không bị bén nồi quá nhanh và đun thêm 3-5 phút nữa cho sánh lại rồi tắt bếp.
Hành phi, tỏi phi không thể thiếu khi thêm vào phần nước sốt. Chúng giúp cho nước sốt dậy mùi thơm hơn.
Bước 4: Nấu nước dùng ăn kèm
Bạn có thắc mắc vì sao không phải là hủ tiếu nước nhưng vẫn cần nấu nước dùng không? Bởi vì nếu chỉ ăn hủ tiếu trộn thì rất dễ bị khô nên bạn nấu thêm chút nước dùng ăn kèm thì sẽ ngon miệng hơn.
Bạn cho xương ống đã chần vào nồi cùng với cà rốt, củ cải, mực khô và 1 lít nước.
Tôm khô sau khi ngâm bạn vớt ráo cho vào nồi đun cùng. Để nồi nước dùng đậm đà khi đun mình cho vào 1 thìa cà phê muối.
Nếu dùng nồi áp suất thì bạn đun trong 30 phút là được. Còn nếu dùng nồi bình thường thì bạn hầm trong vòng 1 tiếng. Trong quá trình đun bạn nhớ hớt bọt để nước dùng được trong.
Khi nồi nước dùng đã đạt bạn nêm nếm lại một lần nữa cho phù hợp với khẩu vị của mình nhé!
Thành phẩm
Cho hủ tiếu ra các tô rồi lần lượt xếp tôm, thịt bằm, gan, trứng cút, rau chần, rau thơm và tỏi phi lên trên. Nếu khéo tay bạn sắp xếp gọn gàng một chút để trông cho đẹp mắt.
Với mỗi bát hủ tiếu bạn chan vào 3-4 thìa canh nước sốt tùy khẩu vị ăn mặn hay nhạt.
Nước dùng ăn kèm bạn múc ra bát rồi cho thêm rau thơm lên trên..
Khi ăn hủ tiếu bạn chỉ cần trộn đều lên và thưởng thức.
Hủ tiếu dai dai, đồ ăn kèm tươi ngọt cùng với nước sốt thần thánh thật sự rất hòa quyện với nhau.
>>>>>Xem thêm: Cách làm nem nướng Nha Trang đơn giản tại nhà
Cách làm hủ tiếu khô trông thì có vẻ hơi nhiều bước nhưng thực ra không quá phức tạp bạn nhỉ? Mất khoảng 1 giờ đồng hồ là bạn đã hoàn thành được những tô hủ tiếu khô ngon miệng để chiêu đãi gia đình rồi.
Thỉnh thoảng để đổi vị đi một chút bạn có thể thay bằng những đồ ăn kèm khác nhau.
Với công thức hủ tiếu khô Món Ăn Ngon chia sẻ, hy vọng bạn có thể tự tay nấu cho gia đình những bữa ăn ngon chuẩn ngoài hàng.
Chúc bạn thành công!
Tham khảo thêm 1 số cách nấu hủ tiếu khác:
- Hủ tiếu mực thịt băm tươi ngon
- Cách nấu hủ tiếu bò kho thơm ngon, hấp dẫn tại nhà
- Cách nấu nước lèo hủ tiếu gõ Sài Gòn để bán, ăn là “ghiền”